hotel booking

Nên tăng trưởng booking qua nguồn trực tiếp hay gián tiếp?

July 2, 2021

Có rất nhiều nguồn booking phổ biến mang đến doanh thu cho khách sạn. Nếu chưa rõ đây là những nguồn nào, bạn có thể tham khảo thêm tại bài blog “Các nguồn booking khách sạn mà bạn cần biết”. Câu hỏi đặt ra chính là “ Nên tăng trưởng nguồn booking nào để có doanh thu cao?” Thực sự không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho tất cả khách sạn, để có được đáp án cụ thể, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố, hãy theo dõi blog ngày hôm nay của Hotel Link để có được đáp án cho mình nhé.

Nên tăng trưởng booking qua nguồn trực tiếp hay gián tiếp?

Sẽ thật lý tưởng nếu có thể tăng trưởng tối đa booking qua cả 2 nguồn, nhưng trong trường hợp nguồn lực hạn chế thì bạn cần phải xác định đâu là mảng ưu tiên phát triển cho khách sạn của mình.

Tùy vào quy mô, ngân sách, chiến lược kinh doanh và đối tượng khách hàng khách sạn đang nhắm tới mà sẽ có lựa chọn nguồn booking khác nhau.

Ưu nhược điểm của nguồn booking trực tiếp

Ưu điểm

Giảm chi phí hoa hồng. Sẽ rất tuyệt vời nếu khách du lịch tìm thấy khách sạn của bạn và thực hiện đặt phòng trực tiếp mà không thông qua trung gian. Điều này giúp khách sạn tiết kiệm được khá nhiều phí hoa hồng cho mỗi booking, từ đó đóng góp vào doanh thu & lợi nhuận.

Xây dựng mối quan hệ với khách. Khách sạn có thể tương tác để tư vấn thêm về dịch vụ cho khách đặt phòng cũng như thực hiện hỗ trợ nhanh khi khách cần. Nhờ vậy, dễ dàng tạo được ấn tượng và tăng trải nghiệm của khách đối với khách sạn. Hơn nữa, việc chủ động kiểm soát toàn bộ quá trình tìm kiếm và đặt phòng trên các kênh của khách sạn tạo điều kiện để bạn tiếp cận lượng lớn thông tin của khách và các số liệu về hành vi trực tuyến, đây là những dữ liệu quan trọng để bạn thiết kế những chương trình chăm sóc khách hàng hiệu quả.

Tạo chương trình khuyến mãi đa dạng. Với hệ thống đặt phòng tự kiểm soát riêng, khách sạn có thể thiết lập nhiều chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách đặt phòng trực tiếp. Nếu việc cạnh tranh về các gói khuyến mãi về giá với những kênh OTAs là quá nan giải, bạn có thể tập trung phát triển những khuyến mãi tập trung vào giá trị trải nghiệm của khách như lớp học nấu ăn, tour du lịch ngắn,…hoặc những tiện ích về dịch vụ, cơ sở vật chất tại khách sạn.

Tỷ lệ hủy phòng thấp. Theo nghiên cứu, tỷ lệ hủy đặt phòng trên nguồn booking trực tiếp sẽ thấp hơn khoảng 30% so với nguồn booking gián tiếp, chính vì vậy khách sạn có thể quản lý phòng trống tốt hơn, từ đó đưa ra những chính sách bán phòng hợp lý.

Wifi Marketing

Ưu điểm của nguồn booking khách sạn trực tiếp

Nhược điểm

Lượng khách không lớn. Trừ phi khách sạn của bạn đã hoạt động tốt và có nguồn khách quen ổn định, hoặc mức độ nhận diện thương hiệu cao thì nguồn booking trực tiếp có thể là mảng tốt để bạn đầu tư chủ yếu vào. Tuy nhiên, đối với những khách sạn nhỏ hoặc trung và mới đi vào hoạt động, chưa có khách quen thì việc chỉ dựa vào nguồn booking trực tiếp sẽ mang đến nhiều hạn chế.

Đầu tư nguồn lực đáng kể để phát triển. Không tự nhiên mà khách có thể tìm đến và đặt phòng với bạn nếu không có bất kỳ nỗ lực marketing nào. Để đạt được booking, bạn phải trải qua một quá trình truyền thông tin đến khách du lịch để họ biết về dịch vụ, nuôi dưỡng họ thông qua các hoạt động tư vấn hỗ trợ, và chuyển đổi thành khách đặt phòng thực sự. Vì vậy, để phát triển nguồn booking trực tiếp, khách sạn cần đầu tư nhất định vào nền tảng đặt phòng, website, nội dung truyền thông ấn tượng và đặc biệt là nỗ lực quảng cáo, marketing để càng nhiều khách du lịch biết và được thu hút càng tốt. Ngoài ra, khách sạn đôi khi phải chấp nhận cắt giảm doanh thu để đầu tư vào một số khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng đặt phòng trực tiếp.

Ưu nhược điểm của nguồn booking gián tiếp

Ưu điểm

Tăng hiện diện trực tuyến và uy tín cho khách sạn. Đóng vai trò như sàn thương mại điện tử dành riêng cho ngành dịch vụ lưu trú, một số nguồn booking gián tiếp như OTA và GDS sẽ giúp bạn mở rộng tiếp cận đến lượng khách lớn tại nội địa và quốc tế. Hơn nữa, việc xuất hiện trên những kênh đặt phòng uy tín sẽ có thể khiến khách du lịch tin cậy về chất lượng dịch vụ của khách sạn hơn và thực hiện đặt phòng.

Nguồn booking ổn định. Tăng khả năng hiển thị đến khách dẫn theo tăng khả năng chuyển đổi đặt phòng, vì vậy bạn sẽ có thể nhận thêm nhiều booking từ những nguồn trung gian này. Ngoài ra, những kênh gián tiếp như Đại lý du lịch (TA) sẽ mang đến lượng khách ổn định thường kỳ cho khách sạn nếu bạn có mối quan hệ hợp tác thuận lợi với họ. Tham khảo thêm về Lợi ích khi hợp tác với Đại lý du lịch tại đây.

Tiết kiệm nỗ lực về marketing. Các nguồn booking gián tiếp có nền tảng công nghệ tiên tiến và nguồn lực lớn phân bổ cho hoạt động marketing nên đạt được sự nhận diện thương hiệu cao trên thị trường ví dụ như Booking.com, Agoda. Vì vậy, khách sạn không cần bỏ nhiều thời gian, công sức, ngân sách quảng cáo để tiếp cận khách hàng và chốt booking vì tất cả đã có dịch vụ trung gian thực hiện.

Nhược điểm

Phí hoa hồng cao. Đây là vấn đề đau đầu của nhiều khách sạn hiện nay khi hợp tác với các kênh trung gian để bán phòng. Mức chi phí thông thường chi trả bởi khách sạn cho các kênh này rơi vào tầm 15-30% trên giá trị của mỗi booking. Khoản phí này ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận khách sạn.

Phụ thuộc nhiều vào bên trung gian. Khách sạn có thể bị ảnh hưởng lớn nếu các kênh trung gian thay đổi chính sách kinh doanh hoặc phần trăm hoa hồng. Ngoài ra, khách sạn đôi khi phải thực hiện những khuyến mãi do các kênh trung gian đề ra, nếu không thực hiện thì hiển thị của khách sạn đến khách đặt phòng sẽ bị hạn chế.

Tỷ lệ hủy phòng cao. Để thu hút khách hàng, các kênh trung gian thường đưa ra chính sách hủy phòng miễn phí hoặc thanh toán tại khách sạn, chính vì vậy, tỷ lệ hủy đặt phòng sẽ tăng lên.

Nên tăng trưởng booking qua nguồn trực tiếp hay gián tiếp?

Qua phân tích về ưu nhược điểm của 2 nguồn booking khách sạn, chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho riêng mình về vấn đề “ Nên tăng trưởng booking qua nguồn trực tiếp hay gián tiếp”.

Mỗi nguồn booking đều có những mặt lợi và bất lợi riêng. Tùy vào định hướng và nguồn lực của khách sạn mà bạn có thể ưu tiên đầu tư để phát triển nguồn booking tương ứng.

Ví dụ khách sạn lớn, có nguồn ngân sách dồi dào cho việc phát triển kinh doanh thì việc sử dụng những kênh bán phòng trung gian uy tín sẽ dễ dàng hơn và mang đến lượng booking đều đặn cho khách sạn.

Tuy nhiên, những khách sạn nhỏ muốn đảm bảo lợi nhuận trên mỗi booking nhận về cao thì cần tập trung phát triển nền tảng đặt phòng trên website và những chiến lược marketing hiệu quả để thu hút khách đến, sẽ cần bỏ ra nỗ lực và thời gian xây dựng nhất định nhưng bù lại đây là kênh đặt phòng ổn định, lợi nhuận cao nhất cho khách sạn.

Bên cạnh đó bạn cũng có thể hoàn toàn phát triển song song cả 2 nguồn booking để tăng doanh thu cho khách sạn. Và đây là phương thức mà rất nhiều khách sạn ngày nay đang ứng dụng.

Việc kết hợp cả 2 nguồn booking sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ

Vậy làm cách nào để phát triển 2 nguồn booking này, hãy tìm hiểu ở phần tiếp theo của bài viết này, bạn sẽ có được câu trả lời.

Phương pháp phát triển các nguồn booking khách sạn

Mỗi nguồn booking khách sạn sẽ có phương pháp riêng để phát triển.

Cách phát triển nguồn booking trực tiếp cho khách sạn

Đối với nguồn booking trực tiếp, trước tiên bạn cần xây dựng công cụ booking trực tiếp trên website của khách sạn.

Công cụ đặt phòng trên website của khách sạn cần có giao diện rõ ràng, thao tác đơn giản, hiển thị các khuyến mãi, dịch vụ một cách cụ thể để khách hàng có thể thao tác nhanh chóng.

Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng đặt phòng trực tiếp, khách sạn cần đưa ra các phương thức thanh toán đa dạng, phù hợp với đa số khách hàng.

Để phát triển nguồn booking trực tiếp, khách sạn cần cung cấp rõ ràng thông tin email, số điện thoại, đồng thời phát triển các trang mạng xã hội để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng.

Để chủ động truyền thông tin đến khách hàng, cần xây dựng thương hiệu và đưa ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả.

Cách phát triển nguồn booking gián tiếp cho khách sạn

Có rất nhiều kênh bán phòng gián tiếp cho khách sạn, để phát triển nguồn booking gián tiếp, bạn cần thiết lập quan hệ hợp tác với các kênh trung gian.

Việc kết hợp bán phòng qua nhiều kênh trung gian cùng một lúc cũng sẽ mang lại hiệu quả cao, mang lại doanh thu cho khách sạn.

Thời gian đầu khi hợp tác với các kênh bán phòng trung gian, bạn cần đưa ra giá phòng hợp lý và một số khuyến mãi để nâng cao khả năng với các khách sạn cùng phân khúc.

Sau khi đã có lượng khách hàng ổn định, thương lượng với kênh bán phòng trung gian để giảm mức hoa hồng, từ đó nâng cao doanh thu cho khách sạn.

Mỗi kênh bán phòng trung gian sẽ có đặc điểm khác nhau, chính vì vậy bạn cần có những phương pháp quản lý phù hợp. Ví dụ đối với kênh OTA, bạn cần có Channel Manager để quản lý tập trung các kênh bán phòng.

Kết luận

Tùy vào chiến lược phát triển cũng như định hướng khách sạn mà mỗi chủ đầu tư sẽ có lựa chọn phát triển nguồn booking khác nhau. Nếu nguồn booking gián tiếp đánh mạnh vào lợi ích tăng trưởng hiện diện đến khách du lịch và lượng booking, thì nguồn trực tiếp lại là những kênh có tính lợi nhuận cao do không mất phí hoa hồng.Tuy nhiên, dù lựa chọn nguồn booking nào, bạn cũng cần có sự nghiên cứu, đầu tư để đem lại hiệu quả.

Chúc các bạn tìm được chiến lược kinh doanh phù hợp.

Relative Posts

Chiến lược marketing cho resort giúp đột phá doanh thu

Để xây dựng chiến lược marketing phù hợp cho resort đòi hỏi bạn cần có…

Good Recommendations for Hotels During COVID-19

Hướng dẫn các bước cần để bắt đầu kinh doanh dịch vụ lưu trú (P1)

Dịch vụ lưu trú là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho những ai đang…

Khách Sạn Thích Nghi Linh Hoạt Để Trụ Vững Giữa Mùa Dịch COVID-19

Khách Sạn Thích Nghi Linh Hoạt Để Trụ Vững Giữa Mùa Dịch COVID-19

Có thể nói, COVID-19 đã khiến cho nền kinh tế thế giới điêu đứng, đặc…